Rủi ro về giá cổ phiếu, nhất là những cổ phiếu đang được săn đón trên sàn OTC luôn thường trực.
Gần một năm sau khi cơn sốt săn mua cổ phiếu OTC trước khi lên sàn chứng khoán niêm yết, sức nóng của sàn OTC đã dần hạ nhiệt.
Giảm giá sau khi lên sàn
Cổ phiếu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) từng được săn đón trên sàn OTC trước khi lên sàn trong quý IV/2016. Giá cổ phiếu VGT tăng từ 11.500đ/CP lên tới gần 20.000đ/CP trong vòng chưa đầy 3 tháng. Tuy nhiên, cổ phiếu này liên tục giảm giá từ phiên đầu tiên lên sàn, từ mức 18.900đ/CP về mức 11.000đ/CP.
Với những nhà đầu tư chốt lời khi cổ phiếu lên sàn niêm yết chắc hẳn đã được một khoản lợi nhuận lớn gấp nhiều lần vốn đầu tư trong thời gian ngắn. Còn đối với những nhà đầu tư mua đuổi, mua cổ phiếu sau cùng khi thị trường đã hạ nhiệt thì rủi ro thua lỗ vẫn hiện hữu ở một vài cổ phiếu đã từng được săn đuổi.
Cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) cũng không ngoại lệ khi giá cổ phiếu sau 3 phiên tăng trần đã giảm từ 52.200đ/CP về mức thấp nhất 29.000đ/CP. Cổ phiếu HVN cũng từng được săn đón trên sàn OTC trước khi lên sàn ở quanh 45.000 – 50.000đ/CP. Ngân hàng Thương mại CP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu sau khi HVN lên sàn và thu được khoản lợi nhuận lớn khi giá vốn của Techcombank mua cổ phiếu HVN bình quân 22.307đ/CP trong năm 2014.
Những trường hợp tăng trần vài phiên sau đó giảm giá sau khi lên sàn có thể kể đến là cổ phiếu các Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM), Chăn nuôi – Mitraco (MLS), Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (CLX), Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BTV)…
Thực tế cho thấy, giá cổ phiếu tăng giảm do cung cầu trên thị trường, các cổ phiếu đã từng “hot” trên sàn OTC cũng không ngoại lệ. Khi thị trường tăng giá quá nóng, giá cổ phiếu đạt đỉnh và tâm lý chốt lời xảy ra thì giá cổ phiếu giảm là điều không tránh khỏi.
Rủi ro thường trực về giá
Rủi ro về giá cổ phiếu, nhất là những cổ phiếu đang được săn đón trên sàn OTC luôn thường trực. Bởi vì giá cổ phiếu trên sàn OTC thường rất khó và ít có cơ sở xác định. Nhiều trường hợp giá cổ phiếu trên sàn OTC bị “thổi giá”, “làm giá” bởi các thông tin không chính xác nhằm đánh vào tâm lý đầu cơ cổ phiếu OTC đón sóng niêm yết với mức lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn.
Mặt khác, giới đầu cơ cũng có thể làm giá bằng cách bỏ tiền ra “gom hàng”, tạo cầu ảo khiến giá cổ phiếu bị đẩy lên cao. Hoặc chào mua bằng các lệnh mua ảo với số lượng lớn để tạo tình trạng khan hiếm hàng, thực tế không có nhiều cơ sở để tham chiếu các lệnh mua bán này, do vậy giá mua bán của các cổ phiếu đang “nóng” trên sàn OTC có thể thâu tóm một cách dễ dàng.
Rủi ro cũng xuất hiện ở các giao dịch cổ phiếu OTC khi doanh nghiệp đã chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục lưu ký tập trung. Theo nguyên tắc, khi doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, mọi chuyển nhượng kể từ thời điểm chốt danh sách cổ đông cho đến khi chính thức được giao dịch đều tạm ngừng.
Nhưng sức nóng tăng giá cổ phiếu đã phát sinh những hợp đồng mua bán lại trong quá trình chốt danh sách cổ đông giữa bên mua và bên bán bằng việc đặt cọc hẹn đến ngày giao dịch để chuyển nhượng cũng luôn tiềm ẩn rủi ro về pháp lý và rủi ro trong quá trình chuyển nhượng sau này.
Với hàng chục tổng công ty, doanh nghiệp được cổ phần hóa, tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán trong thời gian tới, thị trường cổ phiếu OTC chắc hẳn sẽ nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Điều này cũng đồng nghĩa với nhiều con sóng, nhiều cơ hội kiếm tiền hơn đối với cổ phiếu OTC.
Tuy nhiên, với hàng loạt rủi ro về thông tin, pháp lý, rủi ro về giao dịch, nhà đầu tư sẽ càng phải xác định rõ ràng hơn để tránh những tranh chấp về việc sở hữu cổ phần. Cũng cần hiểu rõ về cổ phiếu, về doanh nghiệp định đầu tư, để có cái nhìn khách quan về giá trị doanh nghiệp, tránh những rủi ro giảm giá sâu khi doanh nghiệp lên sàn niêm yết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét